Nếu bạn đang có ý định mua bảo hiểm sức khỏe nhưng vẫn phân vân về quyền lợi điều trị ngoại trú và nội trú thì bài viết sau đây sẽ dành cho bạn. Hiểu rõ được những điều khoản này sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi bản thân và hưởng tối đa lợi ích trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Xem nhanh
Quyền lợi nội trú và ngoại trú là gì?
Bảo hiểm sức khỏe được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm nhằm giảm bớt gánh nặng liên quan đến chi phí y tế trong các trường hợp tai nạn, bệnh tật, thai sản,… Bảo hiểm sức khỏe sẽ có mức phí đóng cao hơn bảo hiểm y tế nhưng quyền lợi điều trị ngoại trú và nội trú rộng hơn rất nhiều. Đây cũng là 2 phạm vi quyền lợi chính trong chương trình bảo hiểm sức khỏe.
Quyền lợi điều trị nội trú
Việc điều trị nội trú sẽ được thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ. Người bệnh có thể điều trị nội trú tại cơ sở đang thăm khám hoặc trong trường hợp cơ sở hiện tại không đáp ứng đủ yêu cầu thì bác sĩ sẽ ký giấy chuyển điều trị để bệnh nhân sang cơ sở khác. Bác sĩ và người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh sẽ chịu trách nhiệm tiến hành điều trị cho người bệnh.
Quyền lợi điều trị nội trú thuộc phạm vi cơ bản, bắt buộc tham gia của chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện. Theo quy định chung của các công ty bảo hiểm thì điều kiện để công nhận trường hợp điều trị nội trú là có giấy xác nhận của bác sĩ trực tiếp thăm khám và bệnh nhân phải lưu trú tại bệnh viện ít nhất là 24h.
Khi đó, các chi phí liên quan đến quá trình điều trị nội trú sẽ được công ty bảo hiểm chi trả một phần hoặc toàn phần, tùy theo hợp đồng mà bạn đã tham gia. Những chi phí này có thể bao gồm:
- Tiền phòng điều trị nội trú
- Chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh
- Tiền thuốc, vật tư y tế
- Chi phí điều trị trước và sau nhập viện 30 ngày
- Phí phẫu thuật, điều trị chuyên sâu, cấy ghép nội tạng,…
>> Xem thêm: Quyền lợi của chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện
Quyền lợi bảo hiểm ngoại trú
Điều trị ngoại trú thường gặp ở các trường hợp bệnh nhân đã ổn định sau khi điều trị nội trú nên được về nhà tiếp tục điều trị và theo dõi. Nếu bệnh nhân chỉ mắc phải những căn bệnh nhẹ, chỉ cần uống thuốc và tái khám thì cũng có thể được chỉ định điều trị ngoại trú. Ngoài ra, còn có các trường hợp phẫu thuật, tiểu phẫu, nội soi được thực hiện trong ngày và về theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.
Quyền lợi điều trị ngoại trú trong bảo hiểm thuộc phạm vi mở rộng, không bắt buộc tham gia và bạn có thể lựa chọn theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bản thân. Phạm vi mà bạn lựa chọn càng rộng thì chi phí tham gia bảo hiểm sẽ càng cao. Do đó, bạn cũng cần cân nhắc về khả năng tài chính của mình trước khi đưa ra quyết định. Theo quy định của công ty bảo hiểm, phạm vi điều trị ngoại trú là nha khoa, bảo hiểm thai sản, tai nạn,… Thông thường, quyền lợi bảo hiểm ngoại trú sẽ bao gồm:
- Chi phí khám bệnh
- Phí thực hiện xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh,… theo yêu cầu của bác sĩ
- Chi phí thuốc theo đơn
- Phí điều trị, ví dụ như vật lý trị liệu
Phần lớn các công ty bảo hiểm quy định rằng khách hàng sẽ được chi trả bồi thường cho quyền lợi ngoại trú tối đa 10 lần/năm.
Như vậy, quyền lợi nội trú là phạm vi cơ bản, bắt buộc khách hàng tham gia khi mua bảo hiểm sức khỏe. Ngược lại, quyền lợi ngoại trú thuộc phạm vi mở rộng, bạn có thể tham gia hoặc không.
Thủ tục bồi thường bảo hiểm sức khỏe
Quy trình xem xét và bồi thường bảo hiểm là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng sau khi đã ký kết hợp đồng. Hiện tại, việc thanh toán bồi thường có thể diễn ra theo 2 hình thức sau đây.
Bảo lãnh viện phí
Một số công ty bảo hiểm sẽ cung cấp dịch vụ bảo lãnh viện phí nếu bạn khám chữa bệnh tại các công ty thuộc mạng lưới liên kết. Khi đó, bệnh viện sẽ thay bạn chi trả viện phí. Điều này có nghĩa là khi bạn đến khám chữa bệnh, bạn chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm sức khỏe và giấy tờ tùy thân mà không cần đóng viện phí. Sau khi kết thúc quá trình điều trị, nếu số tiền viện phí nhiều hơn số tiền bồi thường bảo hiểm mà bạn được lãnh thì bạn sẽ chi trả phần nhiều hơn này. Vì thế, bạn cũng không cần phải chuẩn bị giấy tờ để làm hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Yêu cầu bồi thường
Đây là cách làm truyền thống, tuy nhiên vẫn được áp dụng ở nhiều công ty bảo hiểm. Với phương thức này, khi thăm khám hoặc điều trị bệnh, khách hàng sẽ thanh toán viện phí trước. Sau đó, bạn sẽ thu thập toàn bộ hóa đơn, chứng từ y tế, quyết định điều trị nội trú, giấy nhập viện, ra viện, toa thuốc,… để làm hồ sơ yêu cầu bồi thường. Lưu ý rằng tất cả những giấy tờ này đều phải có dấu xác nhận của bệnh viện. Công ty bảo hiểm sẽ xem xét hồ sơ, nếu hợp lệ thì trong khoảng thời gian 15 ngày, công ty sẽ tiến hành bồi thường.
Tóm lại, quyền lợi điều trị ngoại trú và nội trú ảnh hưởng rất nhiều đến mức phí tham gia bảo hiểm của bạn. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để bạn yêu cầu bồi thường sau khi điều trị. Vì thế, bạn cần hiểu rõ phạm vi bảo hiểm đã tham gia để bảo vệ quyền lợi của mình.