Rủi ro tín dụng là những tổn thất xảy ra trong quá trình bạn sử dụng thẻ tín dụng khiến cho mức chi tiêu vượt quá khả năng chi trả của bạn. Thẻ tín dụng là một hình thức thanh toán phổ biến và có nhiều ưu đãi riêng. Tuy nhiên, những tiện ích vượt trội này cũng dễ khiến bạn chi tiêu không kiểm soát và gặp nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ.
Xem nhanh
Những rủi ro tín dụng thường gặp
Thẻ tín dụng cho phép bạn tạm thời vay ngân hàng để chi tiêu trước và hoàn trả lại trong một thời hạn nhất định. Vì thế, nếu bạn không quản lý chi tiêu tốt sẽ rất dễ gặp phải những rủi ro sau đây.
Chi tiêu vượt hạn mức
Khi phát hành thẻ, ngân hàng sẽ quy định hạn mức thẻ tín dụng cho bạn. Tùy thuộc vào công việc, thu nhập, tài sản đảm bảo, độ uy tín cá nhân và lịch sử tín dụng mà hạn mức tín dụng sẽ khác nhau. Đây là số tiền tối đa bạn có thể sử dụng để thanh toán mà không bị phạt. Điều này nhằm hạn chế trường hợp bạn chi tiêu vượt quá khả năng chi trả.
Đây là rủi ro tín dụng phổ biến nhất. Khi bạn sử dụng thẻ, bạn thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vì bạn không có cảm giác mất tiền ngay khi quẹt thẻ. Vì thế, nếu bạn không kiểm soát tốt thì việc chi tiêu vượt hạn mức cho phép là rất dễ xảy ra. Ngoài ra, một số trường hợp vượt hạn mức do cho thuê thẻ tín dụng cũng đã được ghi nhận, Khi đó, khoản nợ tín dụng của bạn sẽ trở thành nợ xấu, ngân hàng sẽ liên tục nhắc nhở bạn thanh toán. Nếu quá 3 kỳ sao kê liên tiếp mà bạn vẫn chưa thanh toán, ngân hàng sẽ khóa thẻ tín dụng của bạn và điểm tín dụng của bạn sẽ bị giảm.
Để tránh rủi ro này, cách tốt nhất là bạn nên thiết lập một kế hoạch chi tiêu cụ thể và không cho phép bản thân chi vượt quá số tiền cho phép. Hạn mức tín dụng luôn cao gấp 2 đến 3 lần thu nhập của bạn, do đó bạn không nên chi tiêu hết 100% hạn mức.
Rủi ro lãi suất thẻ tín dụng
Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ được miễn trả lãi vay trong thời hạn từ 45 đến 55 ngày, thời hạn cụ thể sẽ tùy vào quy định của ngân hàng. Nếu vượt quá thời hạn này thì số tiền bạn đã chi tiêu sẽ bị tính lãi.
Để phòng tránh rủi ro tín dụng này, bạn nên thanh toán đúng kỳ hạn và chỉ tiếp tục chi tiêu khi đã thanh toán xong dư nợ tháng trước. Điều này sẽ giúp bạn giảm áp lực thanh toán vì nếu để số nợ bị dồn quá cao sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng nợ xấu và điểm thẻ tín dụng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Rủi ro tín dụng do mở nhiều thẻ
Việc quản lý tài chính sẽ trở nên khó khăn hơn đối với những người sử dụng nhiều thẻ tín dụng cùng lúc. Việc chi tiêu quá đà hoặc quên kỳ hạn thanh toán sẽ khiến bạn phải gánh những khoản nợ tín dụng khổng lồ. Do đó, bạn chỉ nên mở thẻ tín dụng cá nhân theo đúng nhu cầu chi tiêu và khả năng thanh toán của bản thân. Trong trường hợp đã mở nhiều thẻ và đã muốn quản lý tài chính tốt hơn, bạn có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý chi tiêu.
Bị giảm điểm tín dụng
Nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng hợp lý, có trách nhiệm, nghiêm túc thanh toán dư nợ thì điểm tín dụng của bạn sẽ được nâng lên. Ngược lại, nếu chậm thanh toán thì điểm tín dụng của bạn sẽ bị giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các khoản vay ngân hàng sau này của bạn. Vì thế, một lời khuyên dành cho bạn là hãy duy trì mức dư nợ dưới 40% hạn mức của thẻ và luôn thanh toán nợ tín dụng đúng hạn.
Rủi ro mất cắp thông tin thẻ tín dụng
Bạn cần lưu ý giữ kín thông tin thẻ khi sử dụng, đặc biệt là mã bảo mật CVV/CVC của thẻ. Nếu thông tin này bị lộ, khả năng bạn bị mất tiền trong tài khoản sẽ rất cao. Những thông tin này có thể bị mất cắp khi bạn cho mượn thẻ hoặc mua hàng trực tuyến tại các trang thương mại điện tử giả mạo hoặc không uy tín. Để tránh rủi ro tín dụng này, bạn cần kiểm tra chi tiêu thường xuyên và báo ngay cho ngân hàng để yêu cầu khóa thẻ khi phát hiện các giao dịch bất thường.
Gặp những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực
Đối với những người lần đầu sử dụng thẻ sẽ rất dễ gặp phải những trạng thái tâm lý căng thẳng, lo âu, áp lực,… khi các khoản nợ bị dồn quá nhiều. Hoặc đôi khi là do thu nhập của bạn bị giảm đột ngột khiến bạn gặp phải khó khăn trong việc thanh toán dư nợ. Điều này sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Vì thế, bạn luôn phải có một kế hoạch chi tiêu để kiểm soát bản thân, quản lý tài chính và luôn giữ trạng thái tâm lý cân bằng, ổn định.
Tầm quan trọng của điểm tín dụng
Điểm tín dụng có viết tắt tiếng Anh là FICO, là điểm số đo lường mức độ uy tín của bạn đối với ngân hàng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn cần sử dụng các hình thức vay ngân hàng. Mức điểm tối đa là 740 và điểm số của bạn càng cao thì mức lãi suất của bạn càng tốt và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Ý nghĩa của điểm tín dụng
Ngoài ngân hàng, những công ty bất động sản hay bảo hiểm cũng dựa vào điểm tín dụng để đánh giá độ uy tín của bạn và áp dụng những chính sách ưu đãi phù hợp. Nếu bạn chưa vay ngân hàng lần nào thì chưa có cơ sở để đánh giá điểm tín dụng của bạn. Vì thế, ngân hàng sẽ đánh giá mức độ rủi ro của bạn ngang với các khách hàng trong nhóm nợ xấu. Cách tốt nhất để nâng dần điểm tín dụng là sử dụng thẻ tín dụng một cách nghiêm túc. Đây có thể xem là hình thức vay ngân hàng dễ dàng và tiện lợi nhất. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng, tất cả những rủi ro tín dụng khiến bạn chậm trễ trong việc thanh toán đều sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng của bạn.
Cách tính điểm tín dụng
Điểm tín dụng bao gồm các trọng số cơ bản sau đây:
- Lịch sử thanh toán
- Số nợ
- Lịch sử tín dụng
- Mức độ mở tài khoản mới.
Trong đó, lịch sử thanh toán là yếu tố quan trọng nhất, chiếm 35% trọng số, được căn cứ dựa trên việc thanh toán dư nợ đúng kỳ hạn của bạn. Số nợ chiếm 30% trọng số, là số tiền bạn đã sử dụng so với hạn mức cho phép. Những người chi tiêu gần 100% hạn mức cho phép sẽ được xem xét ở nhóm rủi ro cao, không có khả năng chi trả hoặc trả trễ. Lịch sử tín dụng là thời gian trung bình của các tài khoản tín dụng. Thời gian càng dài thì điểm tín dụng càng cao, chỉ số này chiếm 20% tỷ trọng. Cuối cùng là mức độ mở tài khoản mới. Việc mở nhiều tài khoản nhưng thanh toán dư nợ không được đảm bảo sẽ khiến điểm tín dụng của bạn bị giảm.
Tóm lại, nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý, người dùng sẽ dễ gặp các rủi ro tín dụng như chi tiêu vượt hạn mức, rủi ro lãi suất thẻ hoặc bị lộ thông tin bảo mật thẻ. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn, khiến bạn gặp khó khăn trong việc sử dụng thẻ hay vay ngân hàng sau này. Vì thế, hãy luôn quản lý chi tiêu thật tốt, tránh mọi rủi ro tín dụng và sử dụng thẻ một cách nghiêm túc nhé.